Banner

3 mẫu ô tô ‘tốt gỗ’, hợp với golfer ít ‘chuộng hình thức’

Kiểu dáng, thiết kế không nổi bật bằng nhiều đối thủ cạnh tranh; tuy nhiên Subaru Forester, Honda City hay Isuzu mu-X lại được đánh giá rất cao về chất lượng, hợp với nhóm khách hàng thực dụng, thích chất “gỗ” hơn “nước sơn”.

Thiết kế và giá bán đang là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng, thậm chí chi phối nhiều đến quyết định chọn mua ô tô của số đông người dùng Việt hiện nay. Đây có lẽ là một thực tế khó phủ nhận; đồng thời cũng là lý do vì sao không ít mẫu xe, dù được đánh giá rất cao về chất lượng và rất ăn khách tại nhiều thị trường trong khu vực nhưng lại khá chật vật khi cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. Điển hình phải kể đến 3 cái tên dưới đây:

Subaru Forester

Trước đây (giai đoạn 2019 trở về trước), Subaru Forester là “hàng độc” ở nhóm SUV/crossover phổ thông cỡ trung tại thị trường Việt Nam. Nguyên nhân là do vào thời điểm đó, mẫu xe này đang phân phối thế hệ thứ 4 được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản nên có giá bán lên đến gần 1,5 tỉ đồng. Vì vậy, chỉ được xem là lựa chọn của những người “sành” xe. Bước sang thế hệ mới, giai đoạn từ 2020 tới nay, với việc đổi nguồn cung sang xe nhập khẩu từ Thái Lan, doanh số Forester tại Việt Nam dần cải thiện, tuy nhiên vẫn kém xa những mẫu xe cùng phân khúc như Mazda CX-5, Honda CR-V hay Hyundai Tucson.

Theo không ít chuyên gia trong ngành ô tô, việc Subaru Forester không được số đông người dùng ô tô tại Việt Nam lựa chọn thực sự là một điều đáng tiếc. Bởi lẽ, so với nhiều đối thủ cạnh tranh, mẫu xe Nhật Bản này sở hữu nhiều ưu thế, đặc biệt là những giá trị cốt lõi như khả năng vận hành hay trang bị an toàn.

Trước hết, ở khả năng vận hành, Forester là mẫu xe duy nhất ở phân khúc sử dụng khối động cơ boxer với cấu tạo xi lanh nằm ngang đối đỉnh. Đây được xem là một “đặc sản” không chỉ của mẫu SUV/crossover này, mà còn của thương hiệu Subaru. So với những cấu hình động cơ khác, động cơ boxer có trọng tâm thấp hơn, đồng thời mang đến khả năng vận hành êm ái hơn. Đặc biệt, so với các đối thủ cùng phân khúc, Forester còn có tùy chọn chế độ vận hành X-Mode, chỉ với một thao tác vặn nút đơn giản, xe có thể tự động thay đổi hàng loạt thông số từ động cơ, hộp số và hệ dẫn động, mang đến khả năng kiểm soát và hỗ trợ tối ưu cho người lái khi di chuyển trên các dạng địa hình khó.

Trong khi đó, xét về an toàn, Subaru Forester cũng cho thấy sự vượt trội nhờ trang bị công nghệ hỗ trợ lái bán tự động EyeSight 4.0. Công nghệ này được ví như “mắt thần”, hỗ trợ “sát sườn” cho những tính năng an toàn cao cấp trên xe, bao gồm kiểm soát hành trình thích ứng (ACC) với tính năng định tâm làn đường mới, phanh tránh va chạm với tính năng đánh lái tự động khẩn cấp, kiểm soát bướm ga trước va chạm, cảnh báo đảo làn, cảnh báo chệch làn với tính năng tránh chệch làn, cảnh báo xe phía trước di chuyển.

Mặc dù có lợi thế về vận hành và an toàn, tuy nhiên khó có thể phủ nhận, so với các đối thủ cạnh tranh, Subaru Forester có phần “lép vế” nếu xét về kiểu dáng thiết kế và khả năng nhận diện thương hiệu. Đây cũng chính là những “yếu điểm” lớn khiến mẫu xe Nhật Bản chưa thể bứt phá tại Việt Nam và chỉ mới chinh phục được nhóm nhỏ khách hàng thực dụng, mua xe chú trọng đến công năng, trải nghiệm lái và tính an toàn.

Honda City

Honda City cũng là một trong những mẫu xe được đánh giá cao về chất lượng nhưng chưa quá thành công về doanh số tại Việt Nam. Năm 2023, mẫu xe Nhật Bản chỉ xếp thứ 3 ở phân khúc sedan hạng B, sau Hyundai Accent và Toyota Vios. So với các đối thủ, bất lợi của Honda City có lẽ nằm ở giá bán cao, cùng với đó là thiết kế có phần trung tính, thực dụng nên chưa phù hợp với nhóm khách hàng trẻ tuổi hoặc phân khúc người mua xe phục vụ cả nhu cầu kinh doanh dịch vụ.

Mặc dù vậy, với những ai tìm kiếm xe cho gia đình, đề cao trải nghiệm lái và độ an toàn; Honda City chính là lựa chọn “đáng đồng tiền bát gạo” nhất. Bởi, so với các mẫu xe cạnh tranh, Honda City sở hữu lợi thế về khả năng vận hành với động cơ trang bị sản sinh công suất tối đa 119 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 145 Nm, nhỉnh hơn đáng kể so với hầu hết mẫu xe đối thủ.

Không chỉ vậy, mẫu xe của Honda cũng được nhiều chuyên gia trong ngành ô tô đánh giá cao về trải nghiệm lái. Từ cảm giác vần vô-lăng, đến phản ứng nhanh nhạy của chân ga, chân phanh… Tất cả đều cho thấy khác biệt rõ ràng với những mẫu xe cùng nhóm sedan hạng B.

Đặc biệt, ở phiên bản mới nhất, Honda City cũng là mẫu xe tiên phong phân khúc trang bị hệ thống công nghệ hỗ trợ lái xe an toàn thông minh – Honda Sensing. Hệ thống này gồm những tính năng an toàn như phanh giảm thiểu va chạm (CMBS), đèn pha thích ứng tự động (AHB), kiểm soát hành trình thích ứng, hỗ trợ giữ làn, giảm thiểu chệch làn và thông báo xe phía trước khởi hành; mang đến cảm giác yên tâm khi di chuyển.

Isuzu mu-X

Một mẫu xe khác cũng được đánh giá “tốt gỗ” nhưng chưa thể chinh phục khách Việt là Isuzu mu-X. Cạnh tranh ở phân khúc SUV 7 chỗ thiết kế khung gầm rời (body on frame) cùng các đối thủ như Ford Everest hay Toyota Fortuner, tuy nhiên sau nhiều năm “loay hoay”, Isuzu mu-X đến nay vẫn chỉ được xem là mẫu xe “lót đường” vì doanh số quá “èo uột”.

Số liệu từ báo cáo bán hàng của VAMA cho thấy, suốt nhiều năm liền, mẫu SUV này duy trì tình trạng “ế ẩm”, bất chấp hãng xe Nhật Bản không ít lần nỗ lực nâng cấp, ưu đãi giá. Năm 2023, trong khi các đối thủ mỗi tháng bán ra vài trăm xe, Isuzu mu-X chỉ “lẹt đẹt” với doanh số khiêm tốn vài chục xe, thậm chí có tháng chỉ bán được vài xe. Cộng dồn cả năm, mẫu xe Nhật Bản chỉ bán ra 236 xe. Doanh số này chỉ tương đương với doanh số một tháng của mẫu Mitsubishi Pajero Sport, chứ chưa bằng số lẻ của những đối thủ nhóm đầu phân khúc.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành ô tô tại Việt Nam, Isuzu mu-X vốn dĩ được đánh giá cao về chất lượng và độ bền bỉ. Tuy nhiên, điểm yếu của mẫu xe này nằm ở kiểu dáng có phần già nua, trang bị “nghèo nàn” cùng độ phủ thị trường chưa tốt nên gặp khó trong khâu tiếp cận khách Việt.

Theo Thanhnhien

Banner
Banner