Banner

Bị Golfer kiêm Youtuber chê bai, cổ phiếu hãng xe bay hơi 50%

Thậm chí MKBHD còn nhấn mạnh: “Dù công ty có cho tôi chiếc xe này, tôi cũng không lái nó”.

So với các cái tên khác trên thị trường xe điện, Fisker là một hãng tương đối mới mẻ. Nhưng mới đây, cái tên này đã trở nên nổi bật trên mạng xã hội nhưng theo cách không mấy vui vẻ. Một phần điều này đến từ ảnh hưởng của Golfer kiêm YouTuber MKBHD Marques Brownlee, đối tác của kênh Club Champion và là một trong những reviewer nổi tiếng nhất YouTube.

Khởi đầu của drama này bắt đầu từ khi Brownlee liên hệ với Fisker hỏi mượn chiếc xe Ocean của công ty này để đánh giá. Dù ra mắt từ tháng 6 năm 2023 với vẻ ngoài bắt mắt và ghế ngồi cũng như không gian sau xe được thiết kế thoải mái rộng rãi, phần mềm của chiếc Ocean lại gặp nhiều vấn đề. Đó là lý do Brownlee muốn đánh giá chiếc xe này vì muốn xem sau nhiều tháng ra mắt, các vấn đề phần mềm trên chiếc xe đã được khắc phục hay chưa.

Cho dù hãng Fisker đã gửi một số bản cập nhật OTA cho phần mềm của chiếc Ocean nhưng dường như mọi vấn đề vẫn chưa được khắc phục. Điều đó khiến YouTuber MKBHD gọi Ocean là “chiếc xe tệ nhất tôi từng đánh giá” – dù anh đã từng rất ấn tượng với vẻ ngoài và thiết kế bên trong nó – và điều đó đã gây ra một cú sốc đối với cổ phiếu công ty này.

Thậm chí Brownlee còn nhấn mạnh: “Dù công ty có cho tôi chiếc xe này, tôi cũng không lái nó”.

Brownlee cho biết, vì Fisker không cung cấp xe cho anh trong khoảng thời gian mong muốn, nên anh phải mượn chiếc Ocean từ một đại lý Mitsubishi để thực hiện đánh giá. Khi biết tin, Fisker đã yêu cầu anh không đánh giá xe vì phần mềm xe chưa được cập nhật lên phiên bản 2.0, tuy nhiên, Brownlee quyết định tiếp tục bởi vì những chiếc Ocean đang được giao cho khách hàng mà không có bản cập nhật 2.0. Brownlee cho biết: “Tôi không phải là người bắt khách hàng phải đợi các bản cập nhật được hứa hẹn sẽ đến trong tương lai.”

Trong quá trình đánh giá, Brownlee đã chỉ ra một số vấn đề như chìa khóa từ xa không hoạt động đúng cách, hệ thống giữ xe tự động trên dốc bị cân bằng sai khiến xe có thể lùi lại khi thả phanh, chế độ California (cửa sổ bên phía sau không hạ xuống như dự kiến) không hoạt động ổn định, không thể theo dõi sản lượng của tấm pin mặt trời trên nóc xe, và các chế độ lái xe gặp lỗi. Ngoài ra, một số đèn cảnh báo bật sáng mỗi khi khởi động xe.

Ngoài phần mềm, Brownlee cũng chỉ trích Ocean vì thiếu hộp đựng găng tay, trong khi lại có một khay đựng đồ lạ thường chiếm nhiều không gian ở bảng điều khiển trung tâm. Các nút điều khiển trên vô-lăng thường xuyên bị chạm nhầm khi lái xe do vị trí đặt. Nhiều nút điều khiển không được ghi nhãn, khiến việc sử dụng các tính năng trở nên khó khăn.

Phản ứng của Fisker trước đánh giá này càng làm sự việc trở nên tồi tệ hơn. Một kỹ sư cấp cao của Fisker đã liên lạc với đại lý cho Brownlee mượn xe nhằm kiểm soát thiệt hại mà không biết cuộc gọi đã được ghi âm lại. Trong đoạn ghi âm, kỹ sư này thừa nhận rằng, ngay cả khi được cập nhật, phần mềm của Fisker “vẫn còn nhiều lỗ hổng bên trong.” Đoạn ghi âm cuộc này đã thu hút hơn 3,6 triệu lượt xem trên TikTok.

Sau khi video đánh giá của Brownlee được công bố, giá cổ phiếu của Fisker đã giảm khoảng 50%. Cần chú ý rằng, số người theo dõi kênh YouTube của Brownlee còn nhiều hơn cả của New York Times, Washington Post, Wall Street Journal và USA Today cộng lại.

Điều này cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của các nhà đánh giá trên mạng xã hội đối với sản phẩm tiêu dùng như thế nào. Trong một động thái đáng chú ý khác, Fisker cũng đã công bố rằng công ty có thể không có đủ tiền để tồn tại trong năm nay.

Theo Đời sống Pháp luật

Banner
Banner