Bugatti Tourbillon 2026 – Hypercar mạnh 1.800 mã lực, giá hơn 100 tỷ đồng chính thức ra mắt

Vào tối thứ Năm vừa qua ở Molsheim, Pháp, hypercar Bugatti Tourbillon đã chính thức được vén màn và phơi bày vẻ đẹp choáng ngợp. Tourbillon có dáng vẻ không thể lẫn vào đâu được của một chiếc Bugatti, nhưng nó cũng rõ ràng là một cỗ máy thể thao hơn nhiều so với hai phiên bản tiền nhiệm. Bugatti Veyron EB 16.4 đã được đặt tên để vinh danh Pierre Veyron, một kỹ sư, tay lái thử và tay đua của Bugatti. Tương tự, Chiron đã được đặt tên theo tay đua người Pháp Louis Chiron. Cả hai cái tên đều giúp củng cố ý tưởng về tốc độ, nhưng thế giới hypercar giờ đây không còn ám ảnh về hiệu suất tối đa nữa, thay vào đó là đề cao trải nghiệm và cảm xúc trên hết.

Tất nhiên, một chiếc Bugatti phải vẫn giữ được tốc độ phi thường, và Tourbillon hiển nhiên làm được điều đó. Nhưng nhờ sự lãnh đạo của Mate Rimac, Bugatti đã tránh được việc điện hóa toàn bộ và không thỏa hiệp về ý nghĩa của việc mang tên của nhà sáng lập Ettore Bugatti. Thay vì tập trung vào công suất tối đa, thương hiệu đã thực hiện một cách tiếp cận ba nhánh, trong đó cái đẹp, hiệu suất, và sự sang trọng được quan tâm đồng đều.

Động cơ dung tích 8,3 lít hoàn toàn mới

Hãy bắt đầu với động cơ. Đó là động cơ V16 dung tích 8,3 lít hút khí tự nhiên với góc V 90 độ, và nó có thể đạt đến tua máy 9.000 vòng/phút. Trong quá trình đó, nó sản sinh 1.000 mã lực và 900 Nm mô-men xoắn. Không có mô-men xoắn của bộ tăng áp, Bugatti đã tận dụng chuyên môn điện khí hóa của Rimac để giúp động cơ đạt tốc độ cao hơn, bổ sung hai mô tơ điện 250 kW quay đến 24.000 vòng/phút trên trục trước. Một mô tơ thứ ba như vậy nằm trên trục sau, và khi tất cả kết hợp với động cơ V16, tổng công suất là 1.800 mã lực. Mô-men xoắn tổng thể chưa được cung cấp, nhưng khả năng gia tốc là nhanh không tưởng.

Tourbillon có thể gia tốc từ 0 đến 100 km/h trong 2,0 giây, và chạm mốc 200 km/h chỉ 3 giây sau đó. Giữ tiếp chân ga và hypercar mới sẽ đạt 300 km/h trong khoảng 10 giây, với con số 400 km/h xuất hiện trên đồng hồ tốc độ sau 25 giây kể từ khi xe bắt đầu lăn bánh. Tốc độ tối đa của xe là 380 km/h trừ khi người lái tắt bộ giới hạn bằng Chìa khóa Tốc độ, sau đó họ có thể tiếp tục sử dụng tất cả 8 cấp số của hộp số ly hợp kép đến 445 km/h.

Khi cần giảm tốc, hệ thống phanh bằng dây mới tương tác với bộ hãm bằng gốm carbon và cánh gió sau có thể triển khai như một phanh gió. Bộ lốp cũng là một phần rất quan trọng đối với cơ chế an toàn của một chiếc xe điên rồ như thế này. Michelin đã phát triển một bộ lốp Pilot Cup Sport 2 đặc biệt với thông số 285/35R20 cho trục trước và 345/30R21 cho trục sau. Mặc dù kích thước tổng thể tăng (ngoại trừ chiều cao thấp hơn), sự bổ sung các mô tơ điện, trang bị một bộ pin 25 kWh 800 Volt, và động cơ dài hơn so với loại W16 quad-turbo, Tourbillon lại nhẹ hơn mẫu Chiron cơ bản khoảng 1 kg (nhưng vẫn nặng hơn Chiron Sport khoảng 17 kg).

Khung gầm trọng lượng nhẹ mới

Theo thông số từ Bugatti, trọng lượng không tải Tourbillon là 1.995 kg, một phần nhờ vào một chất liệu tổng hợp carbon T800 mới được sử dụng để xây dựng khung gầm liền thân, một phần của cấu trúc khung gầm mới. Để giảm bớt trọng lượng, cả bộ khuếch tán phía sau khổng lồ và pin của các mô tơ điện đều được tích hợp vào khung, với bộ khuếch tán là một phần của cấu trúc va chạm và pin là một thành phần chịu tải. Bộ pin này nằm trong một tấm ốp phía sau hành khách và là một phần của hệ thống truyền động điện mạnh nhất thế giới, theo nhà sản xuất. Nó cũng cung cấp hơn 60 km phạm vi chạy điện hoàn toàn (theo chu kỳ WLTP).

Một chi tiết cũng đáng chú ý là hệ thống treo (bây giờ là đa liên kết thay vì xương đòn kép như ở Chiron, và nhẹ hơn 45%) bao gồm các cánh tay hình cánh ở phía sau để cải thiện sự ổn định khí động học, tương tự như cách Porsche 911 GT3 RS sử dụng hệ thống treo trước của nó để tạo ra lực ép xuống.

Thân vỏ thể thao đẹp mắt

Bugatti đã suy nghĩ về môi trường mà mẫu hypercar số lượng thấp của mình sẽ được đánh giá cao nhất – những bãi cỏ của một khu biệt thự cực đẹp – và muốn đảm bảo rằng Tourbillon sẽ trông tuyệt vời ở đó bây giờ cũng như trong một thế kỷ tới. Cho dù tạo nên sự trầm trồ choáng ngợp là một phần sức hút của Tourbillon, nó thể hiện đặc điểm này một cách duyên dáng, thanh lịch.

Bốn yếu tố chính tạo nên một chiếc Bugatti gồm: lưới tản nhiệt hình móng ngựa (to hơn và rộng hơn), Đường viền Bugatti (hoặc Đường chữ C) ở bên cửa, đường gân trung tâm chạy dọc sống xe từ mũi đến đuôi, và màu sơn hai tông. Tất cả những chi tiét này đã được tái hiện để tạo ra “cảm giác tốc độ ngay cả khi đứng yên,” và kết quả là một chiếc xe trông tập trung hơn vào hiệu suất.

Phía đuôi của xe rõ ràng được lấy cảm hứng từ chiếc La Voiture Noire độc nhất vô nhị và bao gồm một bộ khuếch tán khổng lồ bắt đầu từ ngay sau khoang hành khách. Hệ thống 4 ống xả được tích hợp kín đáo ở đây, phía trên tên của chiếc xe được hiển thị dưới tên của nhà sản xuất. Nhìn lên xa hơn, khoang động cơ được phân đoạn với một đèn phanh dọc mỏng dài, và rồi bạn có thể nhìn thẳng vào cabin. Ở phía trước, bộ đèn pha hẹp có các điểm nhấn DRL sắc nét, và có một chút không gian hành lý bổ sung dưới nắp capo (và tổng thể không gian hành lý nhiều hơn so với Chiron).

Thiết kế nội thất vừa hiện đại vừa cổ kính

Ngay từ trước khi người lái bước vào Tourbillon, nó đã gợi ý về sự kỳ diệu đang chờ đợi với những cánh cửa dihedral mở lên trời, mang theo một phần của nóc xe. Nhìn vào bên trong, cabin xe không có bất kỳ dấu vết nào của màn hình kỹ thuật số, mặc dù có một cái ẩn trong bảng táp lô. Trước mặt người lái là vô lăng 2 chấu cực chất với các cần chuyển số ẩn sau tay nắm. Trong đường kính của trục vô lăng cố định là một cụm đồng hồ đính titanium và đá quý (sapphire và ruby) được tạo ra với sự hợp tác của các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ. Cụm này dường như sẽ nằm lơ lửng tại chỗ trong khi các chấu xoay xung quanh nó khi người lái điều khiển vô lăng.

Phần hấp dẫn nhất là đồng hồ tốc độ và đồng hồ đo vòng tua máy được tích hợp trong cùng một không gian, mô phỏng chuyển động của một chiếc đồng hồ theo một cách mê hoặc. Ngay cả việc khởi động và tắt động cơ cũng là một hoạt động thú vị, với một chiếc cần đẩy – kéo được sử dụng để khởi động và dừng động cơ V16. Phía bên cạnh người ngồi là các nút điều khiển ghế được tích hợp kín đáo vào tay nắm cửa. Các ghế hai tông màu trọng lượng nhẹ được lắp đặt trên sàn xe để tăng không gian, và giúp người lái dễ tiếp cận các bàn đạp dưới chân. Ngoài ra, thiết kế đối xứng của cabin cũng khiến hành khách có trải nghiệm bản thân như người lái chính.

Nói về màn hình, không gian nội thất chỉ có một màn hình kỹ thuật số nhỏ, và nó ẩn khỏi tầm nhìn cho đến khi cần thiết. Nó có tích hợp sẵn Apple CarPlay và triển khai từ đỉnh của bảng điều khiển trung tâm bằng pha lê trong chế độ màn hình dọc khi lùi xe và màn hình ngang cho các chức năng khác. Không có loa thường hoặc loa trầm nào được lắp đặt, thay vào đó Bugatti lắp đặt các loa exciter trên các tấm ốp cửa và sử dụng hình dạng của nội thất như là loa thường, nhằm giảm trọng lượng và tăng hiệu quả.

Giá bán và thời điểm giao hàng

Bugatti cho biết rằng mỗi trong số 250 chiếc Tourbillon được sản xuất (một nửa so với Chiron và ít hơn Veyron 200 chiếc) sẽ có giá cơ bản là 3,8 triệu Euro trước thuế, tương đương khoảng 103 tỷ đồng. Như chúng ta đã thấy ở trường hợp những chiếc Chiron và mọi mẫu Bugatti hiện đại khác, hàng loạt các tùy chọn về chất liệu và màu sắc sẽ có sẵn để người mua tha hồ lựa chọn.

Các nguyên mẫu Tourbillon hiện đang trong quá trình thử nghiệm, và công đoạn lắp ráp thủ công tại Molsheim sẽ bắt đầu sau khi những chiếc Bolide chỉ dành cho đường đua và Mistral W16 kết thúc sản xuất. Dự kiến mẫu hypercar mới của thương hiệu Pháp sẽ bắt đầu được giao hàng trong năm 2026.