Banner

Văn hóa xe | Ferrari F50 – ‘ngựa hoang’ huyền thoại

Ferrari F50 từ lâu đã được mệnh danh là một mẫu xe ‘công thức 1 dành cho đường phố’. Xe sở hữu khối động cơ V12 ấn tượng vẫn đem lại một cảm giác lái phấn khích hơn, thú vị hơn.

Siêu xe Ferrari F50 được biết đến là phiên bản giới hạn thứ ba của Ferrari sau GTO (1984) và F40 (1987). Việc thoát khỏi cái bóng của F40 là một nhiệm vụ khó khăn vì khi ra mắt, F40 là chiếc xe thương mại nhanh nhất thế giới và là chiếc đầu tiên vượt quá tốc độ 321km/h.

Ferrari F40 được biết đến với vẻ ngoài ấn tượng cùng cảm giác lái “gây nghiện” với người lái cùng hiệu năng ấn tượng. Để đưa F50 trở nên hiện đại hơn F40 là một thách thức lớn, vì vậy đội ngũ phát triển đã tìm đến đội đua Công thức 1 để lấy cảm hứng và hỗ trợ phát triển sản phẩm.

Nhưng kết quả cuối cùng không chỉ là công nghệ F1 được đưa vào đường phố, hơn nữa, các thành phần chính của Ferrari F50 huyền thoại đều có nguồn gốc trực tiếp từ F1 bao gồm động cơ, hệ thống treo và hệ thống khung xe từ vật liệu composite carbon.

Thay cho động cơ V8 tăng áp trên GTO và F40, F50 có động cơ V12 công suất lớn hơn. Khối động cơ V12 này được phát triển từ động cơ được sử dụng trong xe F1 năm 1990 với 5 van trên mỗi xi-lanh và dung tích tăng từ 3.5 lên 4.7 lít.

Công suất tối đa là 512 mã lực, mạnh hơn mức 472 mã lực của F40. Khối động cơ V12 có khả năng tăng tốc và hú êm ái với vòng tua máy lên tới 8500 vòng/phút. Một số người mê xe thường gọi khối động cơ F50 là động cơ V12 vĩ đại nhất từng được chế tạo.

Công nghệ F1 tiếp tục được áp dụng xuyên suốt chiếc xe và bao gồm khung khoang hành khách được cấu tạo dạng liền khối bằng sợi carbon mà hệ thống treo trước được gắn trực tiếp vào phần khung này

Ngoài ra, khối động cơ V12 được bắt vít vào phía sau khoang hành khách như một bộ phận chịu tải cho hộp số và hệ thống treo sau, giống như trên xe F1. Ưu điểm của kỹ thuật này là độ cứng kết cấu cao hơn, trọng lượng nhẹ hơn và khả năng xử lý tốt hơn và chi tiết này cũng được thừa hưởng từ chính Công thức 1.

Tuy nhiên, kỹ thuật này hầu như chưa từng được trang bị trên xe thương mại trước đây vì độ rung từ động cơ được truyền trực tiếp vào khoang hành khách, gây ra mức độ tiếng ồn, độ rung lớn cho nội thất xe. Tuy nhiên, sự phát triển cẩn thận và động cơ V12 được cân bằng tốt giúp công nghệ này có thể áp dụng cho xe F50.

Hệ thống treo của F50 cũng lấy từ Công thức 1 và sử dụng hệ thống thanh đẩy với lò xo và bộ giảm chấn được gắn theo chiều ngang. Trong giải đua F1, điều này cho phép các bộ phận của hệ thống treo được di chuyển ra khỏi luồng không khí, do đó cải thiện tính khí động học.

Xe được trang bị bộ phanh đĩa thông gió được khoan chéo và xe không có hỗ trợ servo, không có ABS và cũng không có trợ lực cho tay lái. Vơi những trang bị này, mẫu xe có khả năng đạt tốc độ tối đa là 325 km/h, tăng tốc từ 0 lên 100 km/h trong 3,8 giây.

Tất cả các bộ phận chính của F50 bao gồm khối động cơ, hệ thống treo và lồng bằng composite carbon đều có nguồn gốc trực tiếp từ F1. Mẫu xe này từng được ra mắt tại Triển lãm Geneva năm 1995 để kỷ niệm 50 năm thành lập Ferrari và quá trình sản xuất của F50 kéo dài đến năm 1997.

Trong suốt những năm này, thương hiệu chỉ sản xuất tổng cộng 349 chiếc F50. Cho đến ngày nay, Ferrari F50 hàng hiếm vẫn là một trong những chiếc Ferrari thú vị nhất để lái.

Nếu mẫu xe GTO là một chiếc xe thương mại đem đến sự thoải mái hơn nhiều hay F40 luôn mang lại cảm giác giống một con ngựa giống hoang dã hơn thì F50 với khối động cơ V12 ấn tượng vẫn đem lại một cảm giác lái phấn khích hơn, thú vị hơn.

Banner
Banner