Lịch sử phát triển của Maybach là những thăng trầm. Mặc dù được định vị cùng đẳng cấp với hai thương hiệu Rolls-Royce & Bentley nhưng Maybach chưa từng vượt thứ hạng cả về hình ảnh lẫn doanh số.
Maybach trở thành một trong những chiếc xe hạng sang của Mercedes Benz vào đầu năm 2000. Chữ “M” đôi lồng vào nhau trong logo Maybach là viết tắt của Maybach Motorenbau – nhà sản xuất ô tô hạng sang của Đức.
Logo Maybach có lịch sử rất lâu đời, được đặt tên theo người sáng lập Wilhelm Maybach, ngày nay logo Maybach đại diện cho sự cao cấp, quyền lực và thành công. Logo Maybach không quá cầu kỳ và phô trương, nhưng đạt tỷ lệ cân đối, đối xứng tuyệt đối và gần như không có sự thay đổi từ mẫu thiết kế logo đầu tiên tới hiện tại.
Năm 1912, Maybach được đổi tên thành “Công ty sản xuất động cơ Maybach”. Đúng với cái tên của mình, Maybach giai đoạn này chủ yếu làm động cơ diesel và chạy xăng cho khinh khí cầu Zeppelins, tàu chạy trong thành phố, cũng như máy bay dùng trong thế chiến thứ I.
Năm 1919, Maybach bắt đầu sản xuất chiếc xe thử nghiệm đầu tiên của mình và 2 năm sau ra mắt tại triển lãm Berlin Motor Show. Từ năm 1921 đến 1940, công ty sản xuất cả động cơ hạng nặng dùng cho tàu thủy và tàu hỏa. Maybach cũng có một nhánh ở Anh chuyên sản xuất hộp số.
Dù chiến tranh xảy ra nhưng điều đó không có nghĩa là Maybach không làm xe hơi. Họ vẫn làm ra dòng Maybach SW có thiết kế huyền thoại. Khi chiếc SW42 bắt đầu lăn bánh, chỉ có phần vỏ là được sản xuất bởi Maybach, nhiều linh kiện khác được cung cấp từ nhiều công ty như Glass, Spohn, Vysoke Myto ở Slovakia vì thời đó nguồn cung bị hạn chế do phải ưu tiên cho chiếc tranh.
Thậm chí đến cả động cơ cũng phải điều chỉnh tỉ số nén xuống 6.6:1 thay vì 8:1 và bộ đánh lửa cũng phải được thiết kế mới vì nhiên liệu tốt phải ưu tiên dùng cho quân đội. Vậy mà Maybach vẫn đạt được công suất 140 mã lực cho động cơ của mình, không bị giảm đi so với các model SW trước đó.
Và tất nhiên, nội thất của Maybach SW luôn được hoàn thiện cao cấp, bất kể vỏ ngoài có ra sao.
Trong giai đoạn Thế chiến thứ 2, Maybach sản xuất động cơ cho đa số xe tăng của Đức quốc xã, ví dụ như dòng Panzer I, II, III, IV, V, xe tăng Tiger I, II. Sau khi chiến tranh kết thúc, mặc dù nhà máy của Maybach đã chuyển sang sửa chữa xe cộ nhưng chưa bao giờ khởi động lại việc sản xuất xe.
Đến năm 1960, Daimler-Benz mua lại Maybach và từ đó về sau Maybach chủ yếu sản xuất các phiên bản đặc xe Mercedes đặc biệt, chủ yếu là được hoàn thiện thủ công. Những chiếc xe này vẫn gắn logo và số series của Mercedes.
Sự kết hợp Mercedes-Maybach dưới trướng Daimler tạo ra không ít hồ nghi về khả năng thành công. Bởi ở Daimler, mối quan hệ cộng sinh đóng đinh với nhiều thất bại hơn là thành công. Đó là cuộc “hôn phối” với Chrysler để rồi lâm vào khủng hoảng hay kết hợp cùng Mitsubishi nhưng kết quả đưa đến không một chút dấu ấn.